Có những người ông, người bà đã dành cả thanh xuân chiến đấu vì đất nước, khi hòa bình họ lại lặng lẽ gánh vác những nỗi đau gia đình, trở thành chỗ dựa cho đàn cháu nhỏ giữa bao biến cố. Hình ảnh đầy hy sinh ấy đã không ít lần xuất hiện trong chương trình Mái ấm gia đình Việt – một hành trình nhân ái được Hoa Sen Home đồng hành và tài trợ suốt nhiều năm qua.
Kỷ niệm 78 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, nhìn lại đâu đó có những lát cắt cuộc đời về những người lính năm xưa khiến nhiều người rơi nước mắt. Trong hành trình “Mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng” của Mái ấm gia đình Việt, một trong những chương trình đầy nhân văn được tài trợ bởi Hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen) và Ống Nhựa Hoa Sen – Dẫn nguồn hạnh phúc, chương trình đã gặp nhiều hoàn cảnh của những con người đã từng cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc. Họ là những cựu chiến binh, thương binh, những người mang trong mình ký ức chiến tranh, nhưng đồng thời cũng là điểm tựa bền bỉ, đầy yêu thương cho gia đình của họ ngày nay.
Một chân đã để lại nơi chiến trường, chân còn lại ông dùng để bước tiếp vì tương lai của cháu
Hoàn cảnh đầu tiên phải kể đến là gia đình em Thái Nguyễn Gia Khánh (12 tuổi) tại tỉnh Vĩnh Long (tỉnh Bến Tre cũ) trong tập 107 Mái ấm gia đình Việt. Em sống cùng ông bà ngoại trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn khi cha mất từ năm 2019 và mẹ đi bước nữa vào năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Tùng, ông ngoại Khánh (63 tuổi) là cựu chiến binh, từng tham gia chiến đấu giữ hòa bình đất nước và bị mất một chân. Giờ đây, ông làm nghề thả lưới bắt cá trên sông để nuôi sống cả gia đình. Với đôi chân không còn lành lặn, có ngày ông Tùng chỉ bắt và bán được vài chục nghìn đồng, có ngày chỉ đủ cá ăn qua bữa. Tiền trợ cấp thương binh 3 triệu đồng mỗi tháng là nguồn sống duy nhất còn lại. Bà Nguyễn Thị Bé, bà ngoại Gia Khánh, bị tai biến nhiều năm, hiện không còn minh mẫn và không thể lao động.
Gia Khánh dù còn nhỏ tuổi đã biết phụ giúp ông việc nhà, lo cơm nước, học hành chăm chỉ, tự mình đi bộ đến trường cách xa nhà nhiều cây số. Hình ảnh em nhỏ đứng bên người ông tóc bạc và đôi chân khập khiễng vì vết thương chiến tranh, đã khiến nhiều người không kìm được nước mắt.
Tình yêu thương của người ông, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tùng không ồn ào, không phô trương, mà lặng lẽ như dòng sông quê ông vẫn ngày ngày chèo thuyền đi thả lưới. Dù chỉ còn một chân sau chiến tranh, ông vẫn gắng gượng mưu sinh, đội nắng dầm mưa giữa sông nước để kiếm từng con cá, từng đồng bạc lẻ nuôi cháu ăn học và chăm sóc người vợ đau yếu. Chiếc chân giả có thể khiến việc đi lại thêm khó khăn nhưng chưa bao giờ làm ông Tùng chùn bước. Đôi tay chai sạn và dáng đi tập tễnh của ông ngoại Gia Khánh là minh chứng cho lòng hy sinh không mỏi mệt của người lính năm xưa, nay vẫn là người hùng thầm lặng của mái nhà nhỏ.
Ông Tùng thương Gia Khánh bằng những lời dạy dỗ, bằng từng bữa cơm đạm bạc chan chứa tình yêu. Chính tình thương ấy là ngọn lửa ấm nuôi lớn nghị lực của Gia Khánh trong những tháng ngày thiếu thốn tình cảm cha mẹ.
Thứ duy nhất ông còn là tình thương và dùng nó để nuôi lớn cả một cuộc đời khác
Hoàn cảnh tiếp theo phải nhắc đến là gia đình em Hà Thị Thu Na (17 tuổi), ở tỉnh Hà Tĩnh trong tập 125 Mái ấm gia đình Việt. Chưa từng cảm nhận được tình yêu thương của cha, em Na sống cùng mẹ và lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà ngoại.
Nếu tuổi trẻ của ông Hà Văn Duyên, ông ngoại Thu Na (80 tuổi) là những tháng ngày khói lửa, gắn bó với màu áo lính để bảo vệ Tổ quốc, thì quãng đời sau này của ông lại là chuỗi ngày âm thầm hy sinh vì con cháu. Từng tham gia quân đội từ năm 1964 đến 1976, sau khi trở về quê hương, ông phát hiện mình bị nhiễm chất độc màu da cam, di chứng chiến tranh khiến sức khỏe ông giảm sút và để lại ảnh hưởng cho con gái ông, chị Hà Thị Phương, bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, cũng tinh thần chị không ổn định nên cả gia đình cũng không biết cha của Thu Na là ai.
Thương con, thương cháu, ông Duyên và vợ đã dành cả cuộc đời làm lụng vất vả lo từng bữa cơm manh áo cho con gái và cháu ngoại. Không chỉ nuôi dưỡng, ông bà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc, lo toan từng khoản chi tiêu, bảo vệ chị Phương khỏi những rủi ro trong cuộc sống. Số tiền trợ cấp mỗi tháng chị Phương nhận được là 1,7 triệu đồng, ông Duyên chắt chiu từng đồng đó, cẩn trọng giữ gìn để bữa cơm của hai mẹ con không thiếu, để cháu gái được tiếp tục đến trường.
Dù tuổi cao, sức yếu, ông Duyên vẫn luôn dõi theo từng bước đi của cháu ngoại. Ông mong Thu Na trưởng thành để thoát khỏi nghèo khó cũng như trở thành người sống có đạo đức, có văn hóa. Khi sức khỏe không còn cho phép, ông bà buộc phải dọn về sống với con trai gần đó, để hai mẹ con Thu Na học cách tự lập, nhưng vẫn âm thầm dõi theo như một cách chuẩn bị cho tương lai khi ông bà không còn nữa.
Nhờ chăm chỉ học tập, lại ngoan ngoãn nên Thu Na nhận được học bổng 1 triệu đồng mỗi năm, cũng không phải đóng học phí nên em luôn tiết kiệm để mua đồ dùng học tập. Thu Na biết rõ bản thân mình là chỗ dựa tinh thần cho mẹ, cũng là trụ cột gia đình trong tương lai nên em luôn nhắc nhở bản thân phải tự lập và trưởng thành hơn để có thể chăm lo cho mẹ mình và cả ông bà.
Cống hiến cho đất nước khi còn trẻ, đến khi về già, ông Duyên vẫn âm thầm gánh vác gia đình bằng cả tình thương và trách nhiệm. Trong ngôi nhà nhỏ giữa làng quê Hà Tĩnh, hình ảnh người ông tóc bạc, mắt mờ nhưng trái tim vẫn luôn ấm nóng vì con cháu.
Những hoàn cảnh ấy chỉ là vài lát cắt rất nhỏ giữa vô vàn câu chuyện chưa kể về những con người dành cả thanh xuân vì độc lập của đất nước và dành cả tuổi già chăm lo cho hai chữ “gia đình”. Tại Mái ấm gia đình Việt, hai gia đình đã nhận được sự hỗ trợ từ chương trình, các mạnh thường quân, nghệ sĩ nhằm phần nào xoa dịu đi nỗi đau, hong khô đi những giọt nước mắt, giúp họ vững niềm tin vươn lên trong cuộc sống.
Chương trình Mái ấm gia đình Việt hơn 3 năm qua vẫn luôn nỗ lực trở thành cánh tay nối dài, đưa tình yêu thương của cộng đồng đến với những hoàn cảnh khó khăn, trong đó có gia đình của những người đã đóng góp một phần cho đất nước. Để mỗi mái nhà không chỉ ấm về vật chất, mà còn sáng mãi tinh thần “Lá lành đùm lá rách” và “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen) – đồng hành cùng hành trình nhân ái ấy, vẫn luôn bền bỉ thực hiện sứ mệnh “mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng”, góp phần lan tỏa giá trị yêu thương đến tất cả mọi người.
TẬP ĐOÀN HOA SEN